Ngụ Ý Về Cố Sự Bàn Đào Trong Tây Du Ký
Văn Thị Thùy Linh
Thứ Ba,
30/01/2024
6 phút đọc
Nội dung bài viết
Tác giả: Evan Mantyk
Trong thần thoại Trung Hoa, thiên giới thật sự tồn tại. Nơi ấy có một thể hệ trị vì hoàn chỉnh do Ngọc Hoàng Thượng Đế và thê tử của ngài là Tây Vương Mẫu cùng cai quản. Một ngày, Vương Mẫu Nương Nương mở thịnh hội Bàn Đào, vốn là đại tiệc tổ chức mỗi năm một lần tại cung Dao Trì. Tây Thiên chư Phật và Bồ Tát, các vị Thánh Tăng, tôn Thần, Tiên tử, cùng Lão Tử - bậc thủy tổ của Đạo gia và tác giả cuốn Đạo Đức Kinh đều được mời đến.
Vương Mẫu Nương Nương lệnh cho thất tiên nữ - gồm Hồng y, Thanh y, Tố y, Tạo y, Tử y, Hoàng y, và Lục y tiên nữ - đến Bàn Đào Viên hái đào mở hội. Bàn Đào trong thịnh hội không phải là thứ quả thông thường, mà chính là đào tiên, vốn chỉ có trên thiên giới, do đích thân Vương Mẫu Nương Nương tự tay vun trồng.
Những trái đào tiên
Vườn đào của Vương Mẫu Nương Nương có ba loại Bàn Đào, đến thời điểm nhất định mới khai hoa kết quả. Tác phẩm "Tây Du Ký" viết vào thời nhà Minh đã miêu tả Bàn Đào như sau:
Hoa khai quả kết nghìn năm chín,
Không hạ không đông vượt thời gian.
Loại đào thứ nhất hoa rất nhỏ, quả cũng nhỏ, 3000 năm mới đơm hoa kết trái một lần. Người ăn vào thì thân thể kiện khang nhẹ nhàng, trí huệ khai mở, thành tựu Tiên đạo.
Loại đào thứ hai hoa thơm quả ngọt, cứ mỗi 6000 năm mới khai hoa kết quả, người ăn vào có thể bay bổng lên mây, sống lâu muôn tuổi, trẻ mãi không già.
Loại đào thứ ba quý hiếm nhất, vỏ có vân tím, hạt màu vàng nhạt, 9000 năm mới chín, người ăn vào thọ ngang trời đất, sánh cùng nhật nguyệt.
Kim Hầu
Quay trở lại câu chuyện của chúng ta, thất tiên nữ mang theo những chiếc giỏ trống, xuyên qua từng áng mây bồng bềnh đầy màu sắc quanh thiên cung, bay đến Bàn Đào Viên, định bụng sẽ hái đầy những giỏ đào.
Đến nơi, các nàng bàng hoàng nhận ra toàn bộ những trái đào quý hiếm nhất đã biến mất! Hẳn có ai đó đã hái hết cả rồi. Mặc dù hành vi trộm cắp là việc thường thấy chốn nhân gian, nhưng trên thiên giới lại là chuyện tày đình, quả là khiến chúng Thần phẫn nộ! Rốt cuộc, ai đã dám cả gan hái trộm đào của Vương Mẫu Nương Nương?
Hóa ra, vườn đào tiên vừa mới được giao cho Kim Hầu Tôn Ngộ Không cai quản. Tôn Ngộ Không cao ngạo tự xưng là Mỹ Hầu Vương, tuy thần thông quảng đại nhưng hành sự lại lỗ mãng nên đã bị Bồ Đề lão tổ trục xuất khỏi sư môn. Với bản tính ngông cuồng ngạo mạn, Ngộ Không đã bất chấp lệnh của Ngọc Hoàng mà đại náo thiên cung, thậm chí còn tự phong mình là "Tề Thiên Đại Thánh" (Thánh lớn ngang trời). Xét thấy thiên binh thiên tướng đều không thể thu phục yêu hầu, Ngọc Hoàng mới nảy ra chủ ý: Giao cho Ngộ Không việc cai quản vườn đào để y khỏi gây thêm phiền toái. Đáng tiếc là Ngộ Không lại tiếp tục làm loạn.
Trước khi thất tiên nữ đến, Ngộ Không đã ăn hết những trái đào quý hiếm nhất, tự thân tận hưởng "đại hội Bàn Đào" của riêng mình. Sợ hãi khi thấy những trái đào 9000 năm thảy đều không còn, thất tiên nữ vội vã quay về Dao Trì, bẩm báo mọi chuyện lên Vương Mẫu Nương Nương. Vậy là thịnh hội Bàn Đào đã bị phá hoại!
Ngụ ý về cố sự Bàn Đào
Ngộ Không tiếp tục gây họa khi lẻn đến Dao Trì, giả làm Tiên nhân, thừa lúc các vị khách chưa tới mà uống rượu đến mức say mèm. Vì đã ăn hết những trái đào 9000 năm nên Ngộ Không trở nên thần thông và uy lực hơn trước, chúng Thần khắp các tầng trời không cách nào thu phục. Vậy phải làm sao đây?
Nhận thấy thiên binh thiên tướng liên tiếp bại trận, Ngọc Hoàng bèn thỉnh cầu Tây Thiên Phật Tổ đến tương trợ. Ngộ Không không biết phải trái mà đi tiểu trong bàn tay Phật Tổ. Sau đó, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dễ dàng thu phục và đè y dưới núi Ngũ Hành 500 năm.
Câu chuyện đọc lên thật ly kỳ và thú vị! Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu. 500 năm sau, Ngộ Không sau khi thoát khỏi núi Ngũ Hành đã bảo hộ Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh. Trên cuộc hành trình, Ngộ Không dần dần tu khứ tâm ích kỷ và ngạo mạn, vượt qua hết ma nạn này tới ma nạn khác, thực sự bảo hộ Đường Tăng lấy chân kinh. Kết thúc truyện, Ngộ Không cuối cùng cũng bù đắp được tội nghiệp, chứng đắc Phật vị.
Cố sự Bàn Đào nói với chúng ta điều gì? Những trái đào tiên mà Ngộ Không trộm lấy khi ấy, có lẽ là tượng trưng cho cảnh giới khai công khai ngộ mà Ngộ Không cũng như những người tu luyện đều mong muốn đạt đến. Việc ăn trộm đào tiên cũng giống như đi tắt trên con đường tu luyện, đến cuối cùng vẫn không thể đạt thành tựu. Mặc dù Ngộ Không nhất thời mắc lỗi, phạm luật thiên đình, nhưng ước nguyện tu luyện thành Phật đã dẫn dắt Ngộ Không bước vào chính đạo. Trải qua chín chín tám mươi mốt nạn, tẩy tịnh thân tâm, cuối cùng Ngộ Không mới thực sự chứng đắc quả vị, nếm được hương vị của những trái đào tiên - chính là sự công thành viên mãn.
Lấy cảm hứng từ câu chuyện thần thoại kể trên, và cũng lấy cảm hứng từ vở múa "Kim hầu xuất thế" năm 2012 của đoàn Biểu diễn Nghệ thuật Shen Yun, các nghệ nhân của Shen Yun Shop đã cho ra đời Khăn lụa Trái Đào Trường Thọ. Nổi bật ở trung tâm chiếc khăn là những trái đào màu nhiệm, xung quanh là nhiều cảnh vật khác nhau trong cố sự. Ở viền khăn, những bông đào kiêu sa được điểm xuyết giúp chiếc khăn thêm phần xinh xắn.
*****
Câu chuyện kể trên dựa theo cố sự Bàn Đào trong tiểu thuyết Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân thời nhà Minh. Tây Du Ký được phát triển từ câu chuyện lịch sử có thật về nhà sư Huyền Trang thời nhà Đường sang Tây Thiên thỉnh kinh Phật.
Nguồn: https://www.shenyuncollections.com/blogs/blog/the-story-behind-the-peaches-of-immortality